Nhiều vựa gạo thay giá mới
Tại chợ gạo đầu mối Trần Chánh Chiếu (Q.5,ạonộiđịatăngtheogiáxuấtkhẩ33bet TP.HCM), các vựa gạo vẫn đầy ắp hàng nhưng đã bắt đầu điều chỉnh giá. Đơn cử tại vựa Yến Phượng, ông Lộc - chủ cửa hàng - cho biết: "Tôi mới đổi giá hương lài Miên từ 22.000 lên 24.000 đồng/kg. Những loại còn lại không dám điều chỉnh vì đổi là bán không được. Tôi may mắn có nguồn hàng dự trữ từ hơn tháng trước, nên giữ giá bán để giữ mối chứ mặt hàng nào hết nguồn dự trữ bắt buộc phải bán theo giá mới nhập về. Hương lài Miên hiện nay đầu mối ở các tỉnh miền Tây báo giá tăng vì nguồn cung ít. Các loại gạo thơm, đa số đầu mối đều chào giá gần 18.000 đồng/ký hết".
Theo ông Lộc, thời điểm tháng 8 giá gạo đã tăng bình quân khoảng 1.000 đồng so với đầu năm. Từ đó đến nay giá dao động nhẹ vài trăm đồng/kg, nhưng khoảng chục ngày gần đây, giá tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg. Vừa nói ông Lộc vừa mang sổ sách ra cho chúng tôi xem giá nhập kho ngày 28.8, gạo 5451 chỉ 15.150 đồng/kg đến ngày 23.10 giá mới được chào là 16.800 đồng/kg, tăng tới 1.650 đồng/kg. Gạo thơm Jasmine trước 15.500 đồng/kg nay lên trên 17.000 đồng/kg. Gạo Đài thơm 8, nhập vào đã 17.500 đồng/kg, bán lẻ ra chỉ 18.000 đồng/kg. Giá này chưa kể các chi phí như nhân công, hao hụt, cân đong, bao bì… "Gạo thì bảo đảm VN mình không thiếu nhưng vấn đề là giá sẽ tăng thêm chút ít. Bây giờ mặt bằng chung giá như thế thì mình cũng phải chấp nhận. Buôn bán nhỏ lẻ như chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn chứ không phải tăng giá mà mình được lợi", ông Lộc chia sẻ.
Dạo một vòng quanh các cửa hàng gạo ở khu vực trung tâm có thể thấy nhiều bảng giá gạo đã được cập nhật mới. Anh Tuấn, đại diện một cửa hàng gạo trên đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM), than thở: "Hiện tại buôn bán rất khó khăn vì giá gạo đầu vào liên tục tăng mà hàng bán ra lại rất chậm. Đa phần khách mua là người quen nên chúng tôi rất khó tăng giá vì sợ họ bỏ mình đi mua chỗ khác. So với tháng trước, hiện giá gạo đã tăng ít nhất khoảng 1.000 đồng/kg, một số loại gạo thông dụng tăng từ 2.000 - 2.500 đồng/kg". "Hiện tại giá khách chào tăng cao nên chúng tôi chưa dám nhập hàng, vẫn đang bán hàng dự trữ từ trước. Nếu giá không giảm thì sắp tới sẽ không đủ vốn để nhập hàng mới", anh Tuấn lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Bính, Giám đốc Công ty DVTM Nguyễn Bính (TP.Thủ Đức, TP.HCM) - đơn vị chuyên sản xuất và cung cấp bún sạch, cũng "kêu trời" vì giá gạo liên tục tăng. So với lúc cao điểm tháng 8, giá gạo nguyên liệu hiện đã tăng thêm khoảng 1.500 đồng, lên tới trên 17.000 đồng/kg. Nghề làm bún sử dụng các loại gạo thông dụng chứa nhiều tinh bột và là loại gạo tăng giá mạnh nhất nên giai đoạn hiện nay những doanh nghiệp trong ngành này rất khó khăn. "Dù giá đầu vào tăng nhưng đầu ra vẫn không thể tăng vì có nhiều cơ sở sản xuất bún giá rẻ, kém chất lượng cạnh tranh quyết liệt. Khi giá gạo tăng thì các cơ sở này càng đẩy mạnh khai thác thị trường bằng các nguồn nguyên liệu giá rẻ và các phương thức sản xuất không an toàn để tăng tính cạnh tranh", bà Bính nói.
Thị trường thế giới tiếp tục biến động
Trong ngày 24.10, Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) phát đi thông báo tiếp tục mời thầu cung cấp gạo trắng 5% tấm. Bulog hướng đến các nhà cung cấp là Thái Lan 250.000 tấn, VN và Pakistan cùng mức 100.000 tấn, Myanmar và Campuchia cùng 50.000 tấn. Đợt thầu này, Indonesia mong muốn nhận gạo từ nay đến ngày 30.12.2023. Đây là đợt chào mua gạo lớn thứ ba của nước này trong nửa cuối năm 2023. Trong hai đợt mở thầu trước, các doanh nghiệp của VN tham gia với số lượng không đáng kể do có khác biệt về giá. Đợt mở thầu gần nhất của Indonesia là vào ngày 6.10 vừa qua. Indonesia có nhu cầu nhập khẩu đến khoảng 2 triệu tấn trong năm 2023 và tiếp tục duy trì lượng gạo nhập khẩu tương tự trong năm 2024 để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Cũng trong ngày 24.10, theo tờ Hindustan Times của Ấn Độ, Bộ Thương mại và Công nghiệp nước này đã đồng ý giảm giá sàn xuất khẩu gạo Basmati từ mức 1.200 USD/tấn xuống còn 950 USD/tấn. Trước đó, Ấn Độ đã áp giá sàn xuất khẩu gạo Basmati mức 1.200 USD/tấn để đảm bảo rằng thương nhân không thể xuất khẩu gạo non-basmati dưới danh nghĩa gạo Basmati. Trước khi giảm giá sàn gạo Basmati xuất khẩu, Ấn Độ đã đồng ý xuất khẩu gạo theo đường ngoại giao đến 7 nước với số lượng trên 1 triệu tấn.
Thị trường gạo dự báo tiếp tục sẽ có nhiều diễn biến trong thời gian tới do các nước đang tăng cường thu mua, tích trữ gạo khi năm 2023 chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc. Việc Ấn Độ giảm giá sàn gạo Basmati xuất khẩu sẽ chỉ giúp làm giảm một phần áp lực về nguồn cung phần nào nhưng sản lượng gạo Basmati mà Ấn Độ xuất khẩu trong điều kiện bình thường những năm trước chỉ khoảng 6 triệu tấn nên về tổng thể nguồn cung gạo toàn cần vẫn thiếu hụt (tổng cung gạo của Ấn Độ khoảng 21 triệu tấn). Bên cạnh đó, việc Ấn Độ gần đây xuất khẩu gạo cho 7 nước qua đường ngoại giao cho thấy các chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của nước này đặc biệt là mặt hàng gạo trắng thường sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Theo các doanh nghiệp VN, giá lúa gạo nguyên liệu tại thị trường nội địa liên tục tăng đẩy giá gạo 5% xuất khẩu lên mức xoay quanh 700 USD/tấn. Hiện tại, nguồn cung khan hiếm nên nhiều doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới do lo lắng giá sẽ tiếp tục tăng. Tại vựa lúa ĐBSCL, nhiều nông dân đang chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân và phải đợi thêm 3 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch mới với sản lượng lớn và chất lượng tốt.
Số liệu chính thức từ Tổng cục Hải quan cho thấy tính từ đầu năm đến hết tháng 9.2023, VN xuất khẩu gạo lên tới 6,42 triệu tấn, tăng đến 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài thị trường chủ lực là các nước ASEAN đạt 3,8 triệu tấn, tăng 28% thì thị trường Trung Quốc đạt 859.000 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, sản lượng gạo của VN còn có thể xuất trong 3 tháng cuối năm xoay quanh mức 1 triệu tấn.
Vấn đề và Giải pháp: Cơ hội hay thách thức cho gạo Việt Nam?